Hợp tác quốc tế
Cứu nghề nuôi tôm bằng giải pháp nuôi kết hợp (28/04/2014)

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng cho người nuôi tôm. Đặc biệt, hội chứng hoại tử gan, tụy xuất hiện trên tôm thời gian gần đây gây "đau đầu" cho các nhà khoa học vì có quá nhiều yếu tố có thể là tác nhân chính gây bệnh. Trước tình hình này, giải pháp kỹ thuật nuôi kết hợp, nuôi ghép được các nhà khoa học khuyến cáo áp dụng trong giai đoạn hiện nay để cứu nghề nuôi tôm.

Giải pháp kỹ thuật nuôi ghép nuôi kết hợp được các nhà khoa học khuyến cáo áp dụng.


Dịch bệnh hoành hành

Bắt đầu từ năm 2010, hội chứng hoại tử gan, tụy cấp tính đã xuất hiện rải rác tại vùng nuôi tôm ven biển 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đến năm 2011 thì bùng phát thành dịch trên diện rộng với diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lên tới 97.000 ha. Bước sang năm 2012, dịch bệnh trên tôm càng diễn ra theo hướng phức tạp hơn khi có đến 20 tỉnh, thành có dịch hoại tử gan, tụy trên tôm và đến nay tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 7/2012, tại các tỉnh miền Trung như: Hà Tĩnh, Huế và Quảng Trị cho đến các tỉnh ĐBSCL xuất hiện tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị chết do nhiễm bệnh gan, tụy và đốm trắng. Tại Sóc Trăng có hơn 11.649 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm gần 40% tổng diện tích xuống giống; Cà Mau có hơn 11.500 ha tôm nuôi bị bệnh (trong đó có trên 780 ha nuôi công nghiệp bị chết); Bạc Liêu có hơn 10.000 ha, trong đó, hơn 4.600 ha bị thiệt hại trên 50%, riêng mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh thiệt hại gần như hoàn toàn; Tiền Giang cũng có hơn 800 hecta tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm 31,5% diện tích thả nuôi.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm, các nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước đã tích cực điều tra, nghiên cứu, xác định tác nhân gây bệnh để có biện pháp phòng trị hiệu quả. Bước đầu các nhà khoa học đã xác định dư lượng Cypermethrin trong môi trường nước tự nhiên và bùn đáy ao tôm là một trong những tác nhân chính gây ra hội chứng hoại tử gan, tụy gây thiệt hại hàng loạt trên tôm. Thời gian gần đây, các đối tượng nghiên cứu đã được mở rộng sang các yếu tố khác như tảo độc, vi sinh vật, chất lượng con giống...

Tại hội thảo kỹ thuật về nuôi tôm được tổ chức tại Sóc Trăng vừa qua, Giáo sư Kevin Michael Fitzsimmon, Giám đốc Cơ quan Hợp tác nông nghiệp quốc tế, ĐH Arizona (Mỹ) cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia nuôi tôm thâm canh cao trên thế giới như Nam Mỹ và Châu Á đều bị dịch bệnh hoành hành và gây ra thiệt hại nặng nề. Đối với Việt Nam, không nên đi theo hướng giải quyết từng vấn đề, từng loại bệnh cụ thể mà cần có giải pháp tổng thể hơn để giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

Hiệu quả từ nuôi kết hợp

Để khôi phục những vùng nuôi tôm bị dịch bệnh, mô hình nuôi ghép, nuôi kết hợp là giải pháp kỹ thuật được GS Kevin Michael Fitzsimmon khuyến cáo áp dụng trong giai đoạn hiện nay. Hiệu quả của giải pháp này đã được chứng minh ở các vùng nuôi tôm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Đông Nam Á, các nước như In-đô-nê-xi-a đã áp dụng mô hình tôm - cá rô phi, Thái Lan đã áp dụng mô hình tôm - cá măng và cua lột, Phi-líp-pin đã áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp cá rô phi giúp giảm thiểu mầm bệnh và nhờ đó mà khôi phục lại nghề nuôi tôm.

Tuy nhiên, một số cán bộ địa phương còn lo ngại về hiệu quả của mô hình nuôi kết hợp vì cho rằng năng suất nuôi không cao và chi phí đầu tư thức ăn sẽ tăng, từ đó dẫn đến kém hiệu quả nuôi. Tuy nhiên, GS Kevin Michael Fitzsimmon cho biết, mô hình này không chỉ giúp giảm mầm bệnh trong môi trường ao nuôi mà năng suất các sản phẩm tạo ra từ mô hình rất ấn tượng. Cụ thể, mô hình thử nghiệm (trong điều kiện hoàn hảo) nuôi tôm thẻ chân trắng từ nguồn nước ao nuôi cá rô phi tại Thái Lan cho năng suất tôm nuôi lên đến 20 tấn/ha và cá rô phi đến 60 tấn/ha.

Trong giải pháp kỹ thuật nuôi ghép hay nuôi kết hợp, người nuôi có thể sử dụng nhiều đối tượng nuôi khác nhau nhưng có tác dụng hỗ trợ nhau như: Tôm, cá, cua, tảo biển... để đưa vào mô hình nuôi. Hiện nay, trên thế giới đang áp dụng nhiều cách nuôi ghép, nuôi kết hợp như nuôi cá trong ao lắng, nuôi cá trong lồng trong ao tôm, nuôi cá thả chung với tôm trong ao, hoặc mô hình kết hợp dùng nước nuôi cá rô phi để nuôi tôm, rồi lấy nước nuôi tôm để trồng rong biển. Tại Việt Nam, một số người nuôi cũng đã dùng cá rô phi để xử lý nước trong ao lắng cung cấp nước cho ao tôm mang lại hiệu quả cao.

Đáng chú ý trong thời gian qua, mô hình nuôi ghép hay nuôi kết hợp cá rô phi với tôm đang trở nên phổ biến vì những hiệu quả thiết thực mà loài cá này mang lại cho tôm nuôi. Theo Giáo sư Kevin Michael, cá rô phi có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn. Cá rô phi cũng ăn mùn bã hữu cơ trong ao, từ đó giúp giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi. Ngoài ra, cá rô phi còn có tác dụng tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh và ăn cả xác tôm chết, từ đó giúp hạn chế sự lây lan mầm bệnh trong ao nuôi.

Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành