Tin xuất khẩu
Chi phí nuôi tôm của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (17/03/2019)
 

 

Chi phí nuôi tôm của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới
Chi phí nuôi tôm Việt cao hơn so với những nước khác do đó sản phẩm xuất khẩu khó cạnh tranh. Ảnh: Khắc Tâm
 

Tại hội nghị triển khai kế hoạch ngành tôm năm 2019, diễn ra chiều 13-3 tại Sóc Trăng, do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều đại biểu đã chỉ ra điểm yếu cố hữu của ngành tôm và đề nghị phải sớm tháo gỡ.

Ông Hồ Quốc Lực - tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - cảnh báo giá tôm vào mùa vụ chính năm 2019 không sáng sủa hơn năm 2018. Theo ông Lực, các nước nhập khẩu ngày càng đặt ra nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe như tôm phải sạch, có truy xuất nguồn gốc.

"Nói điều này để chúng ta có thái độ ứng xử phù hợp, sao cho hiệu quả", ông Lực chia sẻ.

Theo ông Lực, yêu cầu thị trường các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe, trong khi ngành sản xuất tôm Việt Nam còn quá nhiều nút thắt.

Ông Lực cho biết chi phí sản xuất 1kg tôm của nước ta cao hơn nhiều nước trong khu vực khoảng 1USD. "Chi phí con giống, thức ăn cho tôm của nông dân Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, hỏi sao người nuôi có lợi nhuận nhiều", ông Lực bức xúc.

Theo ông Lực, để ngành tôm phát triển bền vững, cần có sự liên kết, hợp tác, chia sẻ của các thành viên tạo chuỗi giá trị. 

Ông Lê Văn Quang - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú - nêu thêm nút thắt nữa của ngành tôm. Theo ông Quang, do nhiều năm nuôi tôm thất bại, khi chuyển đổi sang mô hình nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nuôi sạch… đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng ngân hàng đứng ngoài cuộc, khiến người nuôi rất vất vả.

"Chi phí trả lương cho công nhân của các nhà máy chế biến thủy sản cao ngất ngưởng. Ngoài tiền lương, các nhà máy còn phải đóng thêm 34% tiền bảo hiểm cho người lao động, trong khi các nước bạn đóng khoản này rất thấp, khó lòng cạnh tranh", ông Quang cho biết.

Ông Phan Văn Sáu - bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - cho biết từ bài học nuôi cá tra ở An Giang, muốn ngành nuôi tôm bền vững, các địa phương cần tổ chức quản lý tốt, từ quy hoạch, kiểm soát con giống, thức ăn, quy trình nuôi, thu hoạch và chế biến. 

"Phải có sự vào cuộc đồng bộ giữa các địa phương. Địa phương này kiểm soát tốt, địa phương kia không kiên quyết thì cũng bằng không", ông Sáu gợi ý.

Theo ông Sáu, có hiện tượng doanh nghiệp bán con giống, buộc người nuôi phải mua thức ăn, thuốc thú y… như vậy  vi phạm pháp luật. "Tôi nghe chuyện này đau đáu trong lòng. Đề nghị bộ trưởng cho kiểm tra và xử lý những doanh nghiệp vi phạm", ông Sáu đề xuất.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường hứa sẽ rà soát và sớm làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc.

Theo ông Cường, năm 2019 ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt từ 4,1 đến 4,2 tỉ USD. Để đạt mục tiêu này, ông Cường đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ lãnh đạo từng địa phương, doanh nghiệp đến người nuôi, phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Vấn đề sống còn với ngành tôm, theo ông Cường, là phải liên kết từ khâu đầu vào đến đầu ra. Ông Cường còn yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương xắn tay quản lý chất lượng con giống, thức ăn, tìm mọi giải pháp để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho con tôm Việt Nam .

Theo Khắc Tâm - Báo Tuổi Trẻ
Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành