Tin thị trường
Chênh vênh chỗ đứng của tôm nước lạnh tại châu Âu (04/11/2018)

 

 - Tôm nước lạnh với sản lượng khiêm tốn hơn đang phải cạnh tranh gay gắt với tôm nước ấm nhập khẩu từ các nước châu Á, buộc phải tìm chỗ đứng trên thị trường ngách và nhanh chóng khắc phục các khó khăn.

Tiêu thụ tôm nước lạnh đặc biệt suy giảm ở nhóm sản phẩm tôm tươi sống  Ảnh: seafoodnews.com 

Tiêu thụ giảm

Tiêu thụ tôm nước lạnh trong các hộ gia đình ở thị trường Anh bắt đầu có xu hướng giảm rõ rệt từ năm 2015 - 2016; trong khi, tiêu thụ tôm nước ấm lại tăng cao từ năm 2014. Theo dữ liệu của EUROPANEL, xu hướng tiêu thụ tôm nước lạnh đặc biệt suy giảm ở nhóm sản phẩm tôm tươi sống. Tại thị trường Anh, xu hướng cắt giảm tiêu thụ tôm nước lạnh chủ yếu xuất hiện ở nhóm đối tượng khách hàng là các hộ gia đình có hoặc không có trẻ nhỏ, gia đình chỉ có người cao tuổi đã về hưu đến các nhóm khác. Tiêu thụ tôm nước ấm, trái lại vẫn duy trì ở mức cao với mọi đối tượng người tiêu dùng, thậm chí với cả khách hàng trên 50 tuổi hoặc đã nghỉ hưu trên 65 tuổi.

Một xu hướng tiêu dùng tương tự với các hộ gia đình tại Pháp - thị trường nhập khẩu thủy sản có vỏ (sò điệp) lớn nhất châu Âu. Giá sò điệp tăng do nhu cầu tiêu thụ cao cùng với nguồn cung thị trường hạn hẹp khiến tổng khối lượng tiêu thụ thủy sản có vỏ, trong đó có cả tôm nước ấm tại các hộ gia đình tại Pháp tăng mạnh ở mọi đối tượng khách hàng suốt vài năm qua. Tuy nhiên, sò điệp vẫn phổ biến hơn các sản phẩm khác trong cơ cấu mặt hàng thủy sản có vỏ và chủ yếu được tiêu thụ bởi nhóm khách hàng là hộ gia đình trẻ tuổi.

“Các sản phẩm thủy sản có vỏ luôn có một thị trường tiềm năng rất lớn. Trong trường hợp của tôm, xu hướng chung hiện nay là tôm nước ấm đang thống lĩnh thị trường. Đây là khó khăn của ngành công nghiệp tôm nước lạnh vì sẽ phải chật vật tìm phân khúc thị trường đúng hướng với những đối tượng khách hàng có khả năng và sẵn sàng trả thêm chi phí cho các sản phẩm tôm nước lạnh trong tương lai”, Kristin Lien, Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) nhận định.

Cạnh tranh khốc liệt

Cuộc xung đột giữa tôm nước lạnh và tôm nước ấm cũng trở thành vấn đề nóng. Theo Henrik Espersen thuộc Ocena Prawns, việc đào tạo các thế hệ đầu bếp tương lai tại thị trường Anh chính là chìa khóa đảm bảo sự sống sót của tôm nước lạnh trong một thị trường đang thay đổi và cạnh tranh khốc liệt. Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng cần phải đánh giá lại ngành tôm Atlantic khai thác tự nhiên, nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng về cách chuẩn bị và sử dụng tôm nước lạnh cũng như ý thức về việc làm thế nào để gia tăng giá trị cho các thực đơn. Đây chính là những yếu tố quan trọng nhất để giúp người tiêu dùng toàn cầu thay đổi lại “cách nhìn nhận” đúng đắn về tôm nước lạnh cũng như duy trì lượng tiêu thụ ổn định.

Theo Charles Boardamn, Giám đốc Icelandic Seachill, các đầu bếp tại nhiều nhà hàng rất sành sỏi và hiểu giá trị của tôm nước lạnh song người tiêu dùng lại khá mù mờ về sản phẩm này và chỉ biết sản phẩm này đắt hơn các loại tôm nhập khẩu từ châu Á hoặc Mỹ Latinh. Charles Boardamn đã dành thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu đối tượng khách hàng, thời gian và lý do họ tiêu thụ tôm nước lạnh để tháo gỡ nút thắt thị trường cho sản phẩm này. Theo kết quả từ Kantar Worldpanel, tiêu thụ tôm nước lạnh trên thị trường toàn cầu đã giảm 35% giai đoạn 2013 - 2016 trong khi tiêu thụ tất cả các loại tôm khác vẫn tăng 9%.

Theo nghiên cứu của Charles Boardamn, đối tượng khách hàng chính của tôm nước lạnh là phụ nữ; trong số này, 66% là những phụ nữ trên 65 tuổi và chỉ sử dụng 35% tôm nước lạnh cho các bữa ăn. Thực tế, tôm nước lạnh được các chuyên gia dinh dưỡng thực phẩm đánh giá cao hơn tôm nước ấm về hương vị và lợi ích sức khỏe nhưng lại ít thiết thực hơn: cụ thể với các hành vi tiêu thụ tôm nước lạnh, 84% mục đích sử dụng vì ưa chuộng, 40% vì sức khỏe tốt và 47% là vì tính thiết thực. Trong khi, với tôm nước ấm thì 76% ưa chuộng, 27% vì sức khỏe và 67% vì tính thiết thực. Một quan sát thú vị khác là trong một nửa các hành vi tiêu thụ nói trên, tôm nước lạnh luôn được lựa chọn bởi các khách hàng muốn thay đổi thói quen ăn uống của họ.

Thu hút khách hàng trẻ tuổi hơn, nâng cao tính thiết thực của sản phẩm trong tất cả các bữa ăn và cải tiến sản phẩm để rút ngắn thời gian chế biến nhưng vẫn đảm bảo hương vị và hàm dinh dưỡng tối ưu là các thách thức cần giải quyết hiện nay của nhiều thị trường tôm nước lạnh. Mục tiêu cuối cùng mà các hãng sản xuất tôm nước lạnh muốn thực hiện đó là đưa sản phẩm này trở thành mặt hàng mang tính thiết thực cao, được sử dụng như một thói quen ăn uống hàng ngày của người tiêu dùng.

Tìm hướng đi mới

Đưa các sản phẩm tôm nước lạnh nói riêng và nhuyễn thể có vỏ nói chung thâm nhập thị trường sushi là một ý tưởng táo bạo với các hãng sản xuất; tuy nhiên, không thể phủ nhận đây là một hướng đi mới và mở ra cơ hội phát triển thị trường cho tôm nước lạnh. Tại châu Âu, các sản phẩm sushi ngày càng phổ biến ở nhiều thị trường như Đan Mạch hay Na Uy suốt nhiều năm qua. Theo thống kê, cứ 200 người dân Đan Mạch thì có 1 người thường xuyên ăn sushi tại hàng ngày. Tại Đan Mạch, sushi được tiêu thụ nhiều nhất ở thủ đô hơn hoặc các thành phố lớn và những khách hàng trong độ tuổi 15 - 34 là đối tượng tiêu dùng chủ yếu của nhóm sản phẩm này.

Tuy nhiên, các sản phẩm hải sản có vỏ có thể sử dụng làm sushi khá hạn chế so các loài cá hoặc hải sản khác, bởi vậy cách thức khi đưa nhóm sản phẩm này vào thị trường sushi luôn là vấn đề quan tâm của các nhà sản xuất. Ý tưởng đưa tôm nước lạnh vào các bữa ăn bufet sushi để phục vụ nhóm khách hàng trẻ tuổi hoặc gia đình có trẻ nhỏ cũng đang được cân nhắc. Hiện, buffet sushi được nhiều khách hàng ưa chuộng hơn vì giá cả hợp lý, phục vụ nhanh và thực đơn đa dạng hơn các nhà hàng sushi truyền thống theo phong cách Nhật Bản. Theo các chủ cửa hàng kinh doanh sushi, việc tìm kiếm các sản phẩm để “lấp đầy thực đơn” và giá hợp lý để thay thế những sản phẩm sushi chế biến từ nguyên liệu đắt tiền luôn là vấn đề được quan tâm và tôm nước lạnh hoặc hải sản có vỏ là một sự lựa chọn đáng cân nhắc. 

 
>> Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là những thị trường nhập khẩu thủy sản có vỏ lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất. Trong khi tại châu Âu, chỉ có Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Italia là những thị trường tiêu thụ lớn nhất, nhưng xu hướng tiêu thụ lai rất khác nhau với từng loại thủy sản có vỏ.
Theo Tuấn Minh - TSVN (Theo Eurofish) 
Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành