Cẩm nang nuôi tôm
Chuyện về nỗi ám ảnh lớn nhất ngành tôm (26/08/2018)
 
 - Ngành tôm nuôi hiện phát triển rất rộng ở rất nhiều quốc gia, nhưng cùng với sự mở rộng diện tích ngày một tăng là nỗi ám ảnh lớn mang tên dịch bệnh.

Dịch bệnh như WSSV, AHPND, EHP hay WFS đều đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành tôm nuôi châu Á suốt thời gian qua khiến hiệu quả sản xuất ngày càng đi xuống. Nhưng đáng lo ngại là giờ đây nhiều người nuôi đã quá quen thuộc với điều đó và thậm chí chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Rất nhiều hộ nuôi vẫn đang muốn phục hồi ngành tôm sú và phát triển song song ngành tôm thẻ. Dự định trên được đánh giá tốt nhưng lại đặt ra bài toán về chiến lược quản lý dịch bệnh hiệu quả.

Dịch bệnh không tình cờ xuất hiện mà xuất phát từ một nguyên nhân hoặc rất nhiều nguyên nhân. Lịch sử của dịch bệnh trong ngành tôm không khác biệt so với dịch bệnh ở loài người. Ngành tôm nuôi hiện nay thậm chí vẫn đang phát triển tràn lan, đôi khi tự phát khiến các nhà khoa học gặp không ít thách thức để có thể định hướng ngành này theo đường lối phát triển khoa học. Mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược quản lý dịch bệnh được các chuyên gia ngành tôm đưa ra tại TARS 2018 là nguyên nhân bùng phát dịch bệnh; trong đó có 3 yếu tố quan trọng luôn song hành cùng nhau và khiến dịch bệnh trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất với ngành tôm: khả năng miễn dịch của tôm, sức mạnh của mầm bệnh và môi trường.

Miễn dịch quyết định khả năng chống chịu của tôm trước các yếu tố gây stress và thách thức từ mầm bệnh. Tăng miễn dịch cho tôm hiện đang được trông chờ vào những tiến bộ của di truyền học. Do đó, ngành tôm cần phải tập trung nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này, tiến tới sản xuất và sử dụng rộng rãi các giống tôm kháng bệnh (SPR) trong điều kiện sạch bệnh (SPF) mặc dù SPF và SPR không phải là những tính trạng duy nhất. Ngoài ra, khả năng miễn dịch trên tôm có thể được cải thiện qua dinh dưỡng và phụ gia thức ăn; nhưng người nuôi cũng xem đó là một sự lựa chọn trong một số trường hợp nhất định bởi khi tôm đã ốm yếu hoặc bị bệnh, chúng sẽ ngừng ăn. Do đó, trong tương lai, chúng ta cần phải tính đến các giải pháp cải thiện khả năng miễn dịch cho tôm từ giai đoạn ấu trùng hoặc giai đoạn nuôi sớm.

Mầm bệnh vẫn luôn hiện hữu trong các hệ thống nuôi tôm hiện nay. Tại APA2018 tổ chức vào tháng 4 vừa qua, TS Peter De Schryver cho biết, với cách quản lý ao nuôi và hệ sinh thái trại giống hiện nay, chúng ta vừa nuôi vi khuẩn có lợi và có hại cùng với tôm và cá. Sau khi nước được khử trùng, các vi khuẩn cơ hội sẽ xâm chiếm hệ thống nước trước tiên. Trong số những vi khuẩn này, chủ yếu là Vibrio có khả năng làm bùng phát dịch bệnh khi chúng đạt đến số lượng cho phép. Mục tiêu đặt ra đó là cần phải ngăn chặn sự sinh sôi của chúng và tăng số lượng của các lợi khuẩn để tạo trạng thái cân bằng ổn định.

Tuy nhiên, duy trì một môi trường vô trùng suốt giai đoạn nuôi tăng trưởng dường như vẫn là điều bất khả thi vì chúng ta đang sử dụng hệ thống nuôi mở. Điều này buộc chúng ta phải quản lý yếu tố quan trọng thứ 3 là môi trường nhằm giúp tôm tăng trưởng tốt và chất lượng nguồn nước tốt trong khi hạn chế các yếu tố gây sốc và thay đổi đột ngột của môi trường. Công cuộc đổi mới ngành tôm là cấp bách, nhưng sự đổi mới này cần dựa vào các định hướng khoa học để tìm ra giải pháp lâu dài và bền vững.

Theo Zuridah Merican - Tổng Biên tập Aqua Culture Asia Pacific
 
 
Copyright 2014, Bản quyền thuộc Hiệp hội tôm giống Bình Thuận
Địa chỉ: Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 062 651 9234
Email: hiephoitombinhthuan@gmail.com
Website: tombinhthuan.com
Thiết kế website bởi Tính Thành